Bài viết được copy từ trang web chính thức của bảo tàng chăm

Trưng bày chuyên đề “Đền tháp Champa – Bí ẩn xây dựng” và Bộ sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh, Khảo cổ di tích Phong Lệ, Trưng bày – Tọa đàm Bảo tàng và Ký ức, Trưng bày lưu động tại Bảo tàng Khánh Hòa, Bảo tàng Chăm được công nhận Bảo tàng hạng I,… Đó là những dấu ấn nổi bật trong năm 2011 với nhiều hoạt động và sự kiện của Bảo tàng Chăm.

  1. Kỷ niệm “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 9

Chào mừng “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 9”, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Hội Nhà văn thành phố và Tạp chí văn hóa Quân sự tổ chức “Đêm thơ Nguyên tiêu”. Đông đảo văn nghệ sĩ, những người yêu thơ, thanh niên và sinh viên đã đến tham dự. Góc thư pháp khai bút tặng khách từ rất sớm thu hút đông đảo khách đến với đêm thơ. Rượu Hồng Đào dâng cho khách thơ và bạn thơ đã tạo ra không khí ấm cúng trong đêm xuân hòa cùng với thơ nhạc nồng nàn.

Đông đảo người yêu thơ đã đến tham dự
  1. Trưng bày chuyên đề “Đền tháp Chăm pa – Bí ẩn xây dựng” và “Sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh”

Nhân dịp Chào mừng ngày giải phóng đất nước 30/04, ngày Quốc tế lao động 1/5 và song hành cùng cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế 2011, Bảo tàng đã trưng bày chuyên đề “Đền tháp Chăm pa – Bí ẩn xây dựng” và “Sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh”. Trưng bày “Đền tháp Chămpa – Bí ẩn xây dựng” giới thiệu kết quả công trình nghiên cứu do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các chuyên gia về khảo cổ, lịch sử, nghệ thuật và bảo tồn. Trong buổi khai mạc trưng bày, Tiến sĩ Trần Bá Việt, người chủ trì công trình, có buổi thuyết trình, giao lưu với công chúng quan tâm đến đề tài, đặc biệt là với những người đang làm công tác bảo tồn di tích và hướng dẫn du lịch.

Buổi thuyết trình của Tiến sĩ Trần Bá Việt

Trong trưng bày chuyên đề “Sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh” lần này, Bảo tàng đã lựa chọn một số hiện vật trong bộ sưu tập gốm Champa của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh nhằm mục đích tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà quản lý để sưu tầm, bổ sung cho bộ sưu tập của Bảo tàng. Đến nay, UBND thành phố đã xét duyệt và cấp kinh phí mua bộ sưu tập này với số lượng 76 hiện vật.

Nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh giới thiệu về bộ sưu tập
  1. Trưng bày – Tọa đàm: Bảo tàng và Ký ức

Chào mừng ngày Quốc tế bảo tàng 18/5, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức trưng bày, tọa đàm chủ đề “Bảo tàng và ký ức”; tổ chức giao lưu gặp mặt “Những người bạn của Bảo tàng: Các chuyên gia và công chúng”. Nhân dịp này, nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh đã tặng cho Bảo tàng một bộ sưu tập mảnh vỡ văn bia Chăm có giá trị nghiên cứu. Trong tuần lễ kỷ niệm, Bảo tàng cũng triển khai công tác “Giáo dục trong bảo tàng”: thí điểm soạn thảo, phát tài liệu giáo dục và tổ chức một số hoạt động vui chơi kết hợp tìm hiểu cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Tọa đàm Bảo tàng và Ký ức

Thuyết minh hướng dẫn tìm hiểu về hiện vật – Một trong số các hoạt động giáo dục trong bảo tàng

  1. Khảo cổ di tích Phong Lệ

Được UBND thành phố cho phép, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã khai quật khẩn cấp phế tích Chăm tại Phong Lệ (Phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ): Ban đầu đã phát lộ nền móng tháp và 32 hiện vật điêu khắc đá, gạch có điêu khắc và rất nhiều mảnh gốm, sành Champa có niên đại cách đây khoảng 1.000 năm. Công tác khảo cổ đã có sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của Chính quyền và nhân dân địa phương nơi có di tích. Ông Nguyễn Tài Trí đã hiến tặng lại cho Bảo tàng một hiện vật chất liệu đá có giá trị ông đã sưu tầm tại khu vực di tích.

Đoàn khảo cổ tại di tích Phong Lệ